.
.

.

Múa rối nước ở Nhân Hòa


Roi nuoc Nhan Hoa

Những công trình kiến trúc nghệ thuật đặc sắc không chỉ là những di sản quý báu mà còn phản ánh bộ mặt văn hoá đa dạng phong phú của người dân nơi đây. Để hiểu hơn về những di tích này, Vĩnh Bảo xin giới thiệu cùng bạn một số di tích lịch sử văn hoá tiêu biểu

1. Khu di tích lịch sử văn hoá – Đền thờ Trạng Trình Nguyễn Bỉnh Khiêm: Gồm Quán Trung Tân, Bạch Vân am, đền thờ… Quán Trung Tân do Nguyễn Bỉnh Khiêm dựng bằng tranh tre, nứa lá gần bến sông Tuyết Giang (tức sông Thái Bình, gần cầu Hàn nối Vĩnh Bảo với Tiên Lãng ngày nay). Quán dành cho dân hai vùng qua lại có chỗ nghỉ ngơi, trong quán có một bia đá khắc bài ký thể hiện rõ quan điểm, tư tưởng về thời thế của Nguyễn Bỉnh Khiêm. Đền thờ Nguyễn Bỉnh Khiêm dựng trên nền Bạch Vân am, có gắn biển đề ”Mạc Triều Trạng nguyên tể tướng từ”. Năm 1991, đền được công nhận là di tích lịch sử – văn hoá cấp quốc gia. Từ nhiều đời nay, không chỉ người dân Vĩnh Bảo mà rất nhiều người dân ở Hải Phòng, Thái Bình, Nam Định… đã đưa con em mình đến khu di tích này cầu mong được học hành đỗ đạt.

2. Cụm đền chùa Thái Bình: Chùa Thái Bình (xã Trấn Dương) tên chữ là Thái Bình tự, tương truyền được xây dựng thời nhà Mạc do chính Trạng Trình Nguyễn Bỉnh Khiêm cắm đất dựng lên. Đền Thái thờ Hưng Nhượng Vương Trần Quốc Tảng. Đền chùa Thái Bình phản ánh đời sống văn hoá tinh thần của cư dân địa phương gắn liền với quá trình khai phá lập làng của vùng cửa sông được mở ra từ kỷ nguyên độc lập của quốc gia phong kiến Việt Nam thời Lý Trần. Tại đây còn lưu giữ được nhiều di vật tiêu biểu của nền mỹ thuật thời Nguyễn. Không chỉ thế, cụm di tích còn gắn với những giai đoạn oanh liệt của lịch sử đấu tranh cách mạng. Cách Hải Phòng gần 40 km về phía Nam, với vị thế độc đáo, đền chùa Thái Bình là nơi để du khách tìm đến sự tĩnh tại thanh thản, đồng thời thưởng thức thiên nhiên. Ngày giỗ Tổ của chùa tổ chức vào ngày 3 tháng 3 âm lịch, đền mở hội vào ngày 20 tháng 8 âm lịch hàng năm.

3. Đình Nhân Mục: Tại toà tiền đường bài trí những sập thờ, ỷ ngai, những bức y môn, cửa võng,… Tất cả đều nguyên vẹn, lộng lẫy lạ thường. Nổi bật là một số cổ vật quý hiếm như cỗ kiệu bát cống thời Lê, nghê gốm thế kỷ 17, sập gỗ thế kỷ 19, tượng phượng, rùa, ngựa, đèn đỉnh đồng,… Đặc biệt đình còn lưu giữ 31 sắc phong thuộc các triều đại, xa nhất cách nay 381 năm thuộc thời Lê Thần Tông. Bia đá trước hiên ghi rõ ”năm Chính Hoà thứ 15” – 1694. Dòng chữ không chỉ tô đẹp cho đình mà còn in dấu quá khứ văn hoá và con người của một vùng quê văn hiến.

4. Miếu Cựu Điện: Miếu thờ Kim An, một bộ tướng của Lý Thường Kiệt có công đánh Tống, bình Chiêm. Nếu như trước đình Nhân Mục, chúng ta ngạc nhiên trước sự hoành tráng lộng lẫy của một ngôi đình cổ thì tại miếu Cựu Điện, chúng ta lạc vào chốn thâm cung, một phòng trưng bày cổ vật với số lượng hiện vật đồ sộ. Tất cả lên tới hơn 30 chủng loại với hàng trăm hiện vật cả về đồ đồng, đồ gốm, đồ gỗ, giấy… Đó là những bức hoành phi, cuốn thư, những câu đối hình lòng máng được khảm trai, chạm long cầu kỳ, những bộ ngũ sự gốm men hoa lam, các loại choé, lộc bình đủ loại có nắp, không nắp, vuông tròn, to, nhỏ khác nhau. Tất cả được giữ gìn, bài trí đẹp đẽ tăng thêm vẻ tôn nghiêm của nơi này. Tại miếu có ngọn giả sơn lớn nhất Hải Phòng, có cổ thụ, suối, khe, có thiền am, có đài điếu ngự. Vào những ngày lễ hội mùng 10 tháng 3 và 10 tháng 8 âm lịch, nơi đây vẫn biểu diễn múa rối nước Vĩnh Bảo.

TAODO (Sưu tầm)

Đưa ra ý kiến, và cảm nhận của bạn tại:

http://forum.vinhbaoclub.com/showthread.php?3957

Bình luận

lượt bình luận

Bạn chấm mấy "sao" cho bài viết này?

  • Total Score 0%
User rating: 100.00% ( 1
votes )