.
.

.

Nghề học ở Cổ Am


Một xã ở khu vực xa trung tâm của thành phố Hải Phòng, vậy mà tỷ lệ học sinh thi đỗ đại học tại đây luôn có tỉ lệ rất cao. Kinh tế của xã không hơn các xã vùng Đồng bằng Bắc Bộ, thế nhưng xã từng có học sinh đoạt giải quốc tế. Tại đây còn sản sinh ra những vị giáo sư, tiến sĩ, viện sĩ lừng danh cả nước… đó là xã Cổ Am, thuộc huyện Vĩnh Bảo, thành phố Hải Phòng. Tại đây đã và đang tồn tại một nghề mà có lẽ chỉ có dân Cổ Am thường gọi, đó là “nghề học”…

Theo các cụ cao tuổi ở Cổ Am kể lại thì xã này trước kia là làng Cổ Am thuộc tỉnh Hải Dương. Tên làng do Trạng Trình-Nguyễn Bỉnh Khiêm đặt và ông cũng là người có nguồn gốc từ làng này.

So với nhiều làng quê của vùng Đồng bằng Bắc Bộ, Cổ Am không có nhiều lợi thế để phát triển kinh tế, xã cách trung tâm thành phố Hải Phòng gần 40km, cách trung tâm huyện Vĩnh Bảo gần 10km, đồng chua, nước mặn, đất chật, người đông… Nhưng có lẽ vì thế mà từ bao đời nay, dân làng Cổ Am đã răn dạy con cháu rằng, muốn thoát đói nghèo, phải học và cái “nghề học” đã tồn tại trên mảnh đất này từ hàng chục thế kỷ.

Sử sách còn ghi lại, ngay từ thế kỷ 15, Cổ Am đã có hàng chục sĩ tử theo học tại Quốc Tử Giám. Nhà nho Trần Công Huân là người đầu tiên của làng đỗ Tiến sĩ khoa thi Quý Sửu (1733), nổi tiếng về tài thi phú, được người đương thời mệnh danh là một trong “Ngũ hổ Tràng Am”. Cùng với làng Hành Thiện (nay thuộc huyện Xuân Trường, Nam Định), Cổ Am luôn là nơi cung cấp nhân tài cho các triều đại phong kiến “Đông Cổ Am, Nam Hành Thiện”, được mệnh danh là làng khoa bảng. Hiện nay, theo số liệu thống kê của xã, có đến gần một trăm người gốc Cổ Am có học vị tiến sĩ, phó giáo sư, giáo sư đang công tác tại các cơ quan, doanh nghiệp trong và ngoài nước. Năm 1946, Cổ Am cũng là xã đầu tiên và duy nhất của Hải Phòng được Bác Hồ gửi thư khen về thành tích “diệt giặc dốt”…

Đồng chí Đào Bá Tuấn, Bí thư Đảng ủy xã Cổ Am cho biết: “Nghề học” chính thức được Đảng bộ xã đưa vào Nghị quyết tại Đại hội Đảng bộ xã lần thứ 25. Đảng bộ đã xác định, đối với Cổ Am, học là một nghề và phát động trong toàn dân đẩy mạnh sự nghiệp khuyến học, khuyến tài. Ngay từ năm 1993, Hội khuyến học của xã đã được thành lập, sớm hơn 3 năm so với hội khuyến học Việt Nam. Hằng năm, Hội đều tổ chức trao thưởng cho các em học sinh giỏi cấp tỉnh, huyện, những em đỗ điểm cao trong các kỳ thi đại học, cao đẳng. Đảng bộ xã cũng khuyến khích các chi bộ, các dòng họ và các khu dân cư tổ chức khuyến học. Các dòng học lớn như họ Đào Trọng, Đào Nguyên, họ Trần, họ Trịnh, họ Nguyễn, họ Bùi… trong xã vào dịp giỗ tổ họ hằng năm đều tổ chức trang trọng lễ dâng hương, tuyên dương khen thưởng con cháu có thành tích xuất sắc trong học tập.

Ở Cổ Am, dân làng vẫn còn giữ nguyên quan niệm coi sự thành đạt trong học tập hơn thành đạt trong làm kinh tế và chức vụ quản lý, bởi vậy giữa các gia đình, dòng họ có sự ganh đua về số người đỗ đại học, số người có học vị thạc sĩ, tiến sĩ… Chính điều này đã thôi thúc các gia đình, các dòng họ, dù kinh tế có khó khăn vẫn động viên con cháu học hành. 10 năm trở lại đây, bình quân mỗi năm xã lại có thêm khoảng 60 cử nhân, 5 thạc sĩ, một tiến sĩ. Đã có nhiều con em học sinh Cổ Am đoạt giải quốc tế như em Trần Trọng Đan, giành Huy chương Bạc kỳ thi Toán quốc tế (tổ chức tại Mê-hi-cô tháng 8-2005). Em Đào Thị Lan Phương, giành Huy chương Vàng môn Pháp ngữ khối ASEAN (tại Xin-ga-po năm 2005). Em Đào Vĩnh Ninh, giành Huy chương Bạc kỳ thi Ô-lim-pích Hóa học quốc tế… Số học sinh Cổ Am đoạt giải cao trong các kỳ thi học sinh giỏi cấp quốc gia, thành phố và cấp huyện rất nhiều.

Nhờ đầu tư vào “nghề học” mà người dân nơi đây đã đưa cái tên Cổ Am vượt qua khỏi lũy tre làng và cũng từ “nghề học”, bộ mặt của xã đã đổi thay, đường làng được trải nhựa, cả xã đã cơ bản có nhà xây kiên cố.

Theo haiphong.gov.vn

LTS: Giá như “nghề học” được đưa vào nghị quyết đảng bộ huyện, xã nào cũng có phong trào hiếu học như ở Cổ Am thì may ra Vĩnh Bảo mới có cơ thoát nghèo.
Chứ mãi trông chờ vào cây lúa thu nhập chẳng được là bao, nghề thủ công (tạc tượng, sơn mài, chiếu cói, dệt thảm..) thì làm ăn manh mún, ngày càng mai một. Công nghiệp thì có khu Tân Liên, Cầu Nghìn, Cổ Am chiếm đất nông nghiệp màu mỡ; lấy công làm lãi, toàn những ngành lao động chân tay, không có chất xám. Thanh niên trai tráng trong làng nếu không có điều kiện học hành tử tế thì ra thành phố kiếm việc, làm phu hồ, xe ôm …; về làng toàn người già với trẻ em. Quê hương “da chưa kịp thay, thịt chưa kịp đổi” thì đã có nhiều ung nhọt mọc lên: quán xá, cửa hàng net – game online, thanh niên tóc xanh tóc đỏ, cờ bạc, trộm cướp.
Chúng ta cứ mãi tự hào truyền thống hiếu học quê hương cụ Trạng, sản vật thuốc lào “chồng hút vợ say” mà quê hương vẫn nghèo, buồn lắm thay.
So với vùng sâu vùng xa, miền núi hải đảo thì VB vẫn còn văn minh chán. Miền quê nào của VN trải qua CNH mà chẳng như thế huống chi VB mới chỉ bắt đầu. So với vài năm trước lên HN thi ĐH phải đứng 1 chân, nhồi xe khách như nhồi ngan vịt trước khi bán thì nay có cái anh xe buýt Hải Âu chạy qua, rồi đi từ VB ra đến HP mất có 5 ngàn xe buýt thì hạnh phúc chán.

Có vị nào tài cao học rộng, nặng lòng với quê hương thì bớt chút thời gian hiến kế giúp quê hương thoát nghèo đây ?

HOANG CUONG

Cùng tham gia thảo luận tại đây:

http://forum.vinhbaoclub.com/showthread.php?3901

Bình luận

lượt bình luận

Bạn chấm mấy "sao" cho bài viết này?

  • Total Score 0%
User rating: 0.00% ( 0
votes )


Bài viết liên quan