.
.

.

Sắc thắm trên các làng nghề truyền thống


Từng có trên 60 làng nghề với 20 loại hình nghề khác nhau, trải qua biết bao thăng trầm của lịch sử, đến nay Hải Phòng còn hơn 30 làng nghề, trong đó có 12 làng được UBND thành phố cấp bằng công nhận đạt tiêu chuẩn làng nghề của Bộ nông nghiệp và phát triển nông thôn. Không ít những làng nghề tưởng chừng mai một nhưng nay đang hồi sinh, góp phần không nhỏ vào sự phát triển kinh tế xã hội cũng như gìn giữ các giá trị văn hoá truyền thống.

Đã từ lâu, làng tạc tượng Bảo Hà (xã Đồng Minh, huyện Vĩnh Bảo) nổi tiếng với nghề điêu khắc gỗ mang đậm dấu ấn bản sắc dân tộc. Là một làng nghề hơn 700 năm tuổi, Bảo Hà vừa lưu giữ được những giá trị truyền thống vừa mang trong mình dáng dấp của một làng quê đang đổi mới từng ngày.

Các vị cao niên trong làng kể lại, nghề điêu khắc gỗ và sơn mài ở Bảo Hà có từ lâu đời và được coi là cái nôi của nghề tạc tượng cả nước. Khoảng thế kỷ XV, cụ Nguyễn Công Huệ đã khai sinh ra nghề tạc tượng nơi đây và tên tuổi của cụ cũng gắn liền với lịch sử phát triển của nghề. Hiện nay, tại miếu Cả ở làng Bảo Hà vẫn lưu giữ tượng chân dung cụ Nguyễn Công Huệ mà tương truyền là do chính tay cụ tạc.

Hiện Bảo Hà có 973 hộ thì có tới gần 500 hộ làm các ngành nghề phi nông nghiệp. Trong đó, chủ yếu là chuyên nghề điêu khắc gỗ, với khoảng 20 cơ sở sản xuất tập trung. Cuộc sống của người dân làng nghề đang từng ngày “thay da đổi thịt”.

Bảo Hà không chỉ nổi tiếng với nghề tạc tượng, độc đáo với nghề làm nhạc cụ dân gian mà còn được biết đến với nghề dệt chiếu có từ lâu đời. Tuy nhiên, cái hay của nghề làm chiếu ở Bảo Hà là đã tập trung được các hộ sản xuất nhỏ lẻ vào hợp tác xã. Sau khi HTX ra đời đã thu hút được sự tham gia của hàng chục hộ làm chiếu trên địa bàn xã. Không chỉ giúp giữ nghề truyền thống, HTX còn góp phần giải quyết việc làm cho lao động nông nhàn tại địa phương. Người thợ làm chiếu bây giờ không còn phải lo tìm đầu ra cho sản phẩm mà chỉ tập trung làm nghề, dồn tâm huyết dệt nên những sản phẩm chất lượng cao. Ở Bảo Hà, nghề làm chiếu bận rộn quanh năm, đến tháng Chạp thì không khí sản xuất càng nhộn nhịp, khẩn trương. Người thợ như chạy đua với thời gian để đảm bảo đúng hẹn giao hàng cho khách. Công việc ngày cuối năm dù có bận rộn hơn nhưng ai nấy cũng đều phấn khởi vì có thêm phần thu nhập để sắm tết.

Bằng sự tài hoa và tâm huyết với nghề, những lớp thợ tạc tượng, làm chiếu của làng Bảo Hà đã từng ngày khôi phục nghề truyền thống của quê hương. Việc UBND thành phố công nhận Bảo Hà là làng nghề truyền thống đạt tiêu chuẩn của Bộ NN&PTNT đã khẳng định những nỗ lực và đóng góp không mệt mỏi của lớp lớp những người thợ tài hoa xưa và nay. Bên cạnh những làng nghề quy mô xã, trên địa bàn thành phố còn có hàng chục làng nghề ở quy mô thôn. Có thể nói, dù còn tồn tại nhiều khó khăn, bất cập, song các làng nghề này đã góp phần giải quyết việc làm, nâng cao đời sống người dân, thúc đẩy tiến trình xây dựng nông thôn mới.

Đến với làng hoa ở các xã Đặng Cương, Đồng Thái, Lê Lợi của huyện An Dương mới thấy thiên nhiên đã rất ưu đãi cho mảnh đất và con người nơi đây. Với sự chịu thương, chịu khó, sự khéo léo, sáng tạo, người nông dân nơi đây đã biến những cánh đồng trồng lúa thu nhập thấp sang trồng đào và nhiều loài hoa có giá trị kinh tế cao. Bên cạnh những cây trồng truyền thống, những loài hoa cho giá trị kinh tế cao đã được người dân đưa vào trồng đại trà như hoa ly, hoa layơn Pháp, hoa loa kèn trái vụ Đan Mạch.

Làng nghề Lật Dương, xã Quang Phục, huyện Tiên Lãng có từ thế kỷ XVII với sản phẩm chiếu cói được trong và ngoài thành phố biết đến. Doanh thu hàng năm của làng nghề có thời đạt từ 10 – 12 tỷ đồng/ năm. Trước thử thách nghiệt ngã của cơ chế thị trường, không biết bao nhiêu người ở bao nhiêu nơi đã bỏ nghề dệt chiếu, thì người Lật Dương chẳng những giữ được nghề, mà còn đưa nó thành thương hiệu “Chiếu cói Lật Dương” nổi tiếng khắp vùng Hải Phòng, Hải Dương, ra tới Quảng Ninh, lên tận Bắc Ninh, Bắc Giang. Sau một thời gian dài mai một, giờ đây làng nghề dệt chiếu cói Lật Dương xã Quang Phục (huyện Tiên Lãng) đã trở lại không khí nhộn nhịp, tạo sắc thái mới cho một làng nghề dệt chiếu truyền thống.

Làng nghề Bảo Hà, chiếu cói Lật Dương cùng nhiều làng nghề khác được UBND thành phố cấp bằng công nhận đạt tiêu chuẩn làng nghề của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn mới đã chứng tỏ sức sống mãnh liệt của các làng nghề truyền thống tại Hải Phòng. Vẫn biết phía trước còn nhiều khó khăn, song với sự nỗ lực của những nghệ nhân, những con người tâm huyết với nghề; cùng sự trợ giúp của các ngành chức năng, các làng nghề của Hải Phòng sẽ đóng góp nhiều hơn cho sự phát triển kinh tế, xã hội và mãi là nơi bảo tồn, lưu giữ những giá trị văn hoá truyền thống của dân tộc.

Phạm Sen

Bình luận

lượt bình luận

Bạn chấm mấy "sao" cho bài viết này?

  • Total Score 0%
User rating: 0.00% ( 0
votes )