.
.

.

30 năm cần mẫn “chở” pháp luật đến với dân nghèo


Trải qua những năm tháng chiến tranh ác liệt trong quân ngũ, trở về quê hương ở xã Đồng Minh, huyện Vĩnh Bảo, TP.Hải Phòng, ông Hoa Văn Tải đã “bén duyên” cùng công tác tư pháp và miệt mài, cần mẫn làm “con ong” giúp người dân địa phương dần thay đổi quan niệm về pháp luật. 

30 năm cần mẫn “chở” pháp luật đến với dân nghèo

Ông Tải tư vấn pháp luật cho công dân trong xã

Có đói cũng không bỏ nghề
Sinh năm 1958 trong một gia đình nông nghiệp, đến năm 18 tuổi ông Tải nhập ngũ chiến đấu chống Mỹ cứu nước tại Hà Tiên, Kiên Giang. Sau 3 năm, ông được điều chuyển đến chiến trường Campuchia. Năm 1984 trở về từ khói đạn, ông được phân công giữ chức Bí thư Chi bộ xóm, Công an xã, sau đó là Phó Chủ tịch xã phụ trách tư pháp từ tháng 9/1986. Cái “duyên” của ông với ngành Tư pháp được bén rễ kể từ đó. Đến tháng 12/1995, sau khi thôi giữ chức Chủ tịch xã, ông đảm nhiệm vai trò là một cán bộ tư pháp.
“Mê đọc sách luật từ nhỏ nhưng cái nghèo, cái đói cứ bám riết nên đến tận năm 35 tuổi tôi mới có cơ hội theo học Trung cấp Luật hệ tại chức kéo dài 3 năm do Đại học Luật mở lớp tại Vĩnh Bảo. Tiếng là cán bộ tư pháp đã lâu nhưng phải đến năm 1991 tôi mới tốt nghiệp ngôi trường mơ ước này. Trước đó, do hoàn cảnh chung của đất nước, người làm tư pháp đều phải tự mò mẫm, tìm tòi để giải quyết công việc hàng ngày”, ông Tải bồi hồi kể lại.
Với bản tính siêng năng, say nghề cộng với may mắn có được gia đình làm hậu phương vững chắc, suốt mấy chục năm qua, ông yên tâm chăm lo cho công tác tư pháp tại địa phương. Bà Lương Thị Mến (SN 1960, vợ ông Tải) kể: “Những năm 1987, 1988, cuộc sống của cán bộ vô cùng chật vật, khó khăn. Lương tháng của một Phó Chủ tịch xã phụ trách tư pháp không đủ đong vài ống gạo. Phụ cấp 1 tháng của ông ấy được 1.200 đồng, trong khi 1 ống gạo có giá 1.400 đồng. Giáo viên thì bỏ dạy, nhiều cán bộ bỏ việc chính quyền đi làm kinh tế. 
Ngày ngày thấy ông ấy nghiên cứu luật này, luật kia mà tôi sốt ruột lắm. Nhưng có phàn nàn thì ông ấy cũng chỉ tặc lưỡi cho qua chứ quyết không bỏ nghề. Hỏi ra mới hay ông ấy không muốn bà con, làng xóm chịu thiệt thòi vì thiếu hiểu biết pháp luật. Suy nghĩ đó đã làm thay đổi tư tưởng của tôi”.
“Ở những vùng quê nghèo như Đồng Minh, để phổ biến pháp luật đến phụ nữ, trẻ em, nông dân nghèo… là rất khó. Bởi họ nghĩ không bước khỏi lũy tre làng thì cần gì đến luật?! Vì vậy, khi đảm nhận công tác tư pháp, tôi luôn trăn trở làm sao để thay đổi quan niệm này” – ông Tải chia sẻ.
“Luật gì thì cũng phải thiết thực với cuộc sống”
Để thay đổi nhận thức pháp luật của người dân, tháng 1/2007 Câu lạc bộ (CLB) Trợ giúp pháp lý (TGPL) xã Đồng Minh được thành lập với 63 thành viên bao gồm chủ yếu là thương binh, bệnh binh, người nghèo, người tàn tật và người già cô đơn. Trong đó, ông Tải đảm nhiệm vai trò là Phó Chủ nhiệm CLB.
Hàng tháng, từng chuyên đề pháp luật được xây dựng cụ thể, rõ ràng. Lần nào cũng vậy, hội trường UBND xã chật kín không còn một chỗ trống. Do phối hợp với các tổ chức khác nên CLB hoạt động khá sôi động, có kỳ sinh hoạt thu hút tới 200 người tham dự.
Ông Tải rỉ tai tôi về “bí quyết” để tổ chức thành công các buổi sinh hoạt: “Dân “đói” gì, mình cho họ “ăn” nấy. Trước tiên, mình phải chọn được chuyên đề thiết thực với cuộc sống. Ví như, tháng 2 vừa rồi, do có những quy định mới liên quan đến việc sử dụng bảo hiểm y tế nên tôi tổ chức ngay chuyên đề về Luật Bảo hiểm y tế. Y rằng, người dân hưởng ứng nhiệt tình. Thứ hai, mình phải chọn được báo cáo viên tốt, có trình độ và nhiệt huyết. Chỉ cần đạt được hai điểm trên, coi như ta thắng lợi”.
Ngoài sinh hoạt tại hội trường, CLB còn thực hiện tư vấn pháp lý, hòa giải mâu thuẫn tranh chấp trong nội bộ cán bộ và nhân dân, mở nhiều đợt TGPL lưu động tại địa phương. Ông Bùi Văn Nhâm, Chủ tịch UBND xã Đồng Minh cho hay: “Xã Đồng Minh hiện có 17 chi bộ thì có tới 7 đồng chí nữ giữ chức Bí thư, đạt tỷ lệ trên 40%. Đây là một tỷ lệ mà giai đoạn trước chưa từng có. Phải khẳng định rằng, có được con số ấn tượng trên một phần là hệ quả từ hoạt động TGPL giúp nâng cao hiểu biết, trình độ pháp luật của chị em phụ nữ”.
Không những vậy, trước đây nạn bạo hành gia đình hầu như xảy ra ở tất cả các thôn trong xã nhưng từ khi hoạt động TGPL đi vào nền nếp, hoạt động hòa giải phát huy được hiệu quả thì tệ nạn này cơ bản được ngăn chặn. Nhờ sự khéo léo trong cách khuyên nhủ, lý giải kết hợp tình làng nghĩa xóm với cơ sở pháp luật, ông Tải và các thành viên CLB đã làm thay đổi cuộc sống của nhiều gia đình.
Bà Đào Thị Mai, Giám đốc Trung tâm TGPL TP.Hải Phòng khẳng định: “Sau gần 8 năm hoạt động, CLB TGPL xã Đồng Minh luôn minh chứng là đơn vị có sức lan tỏa đến người dân nhất, đặc biệt là phụ nữ. Phải nói rằng, thành công trên được cộng hưởng từ sự quan tâm của cán bộ các ngành, các cấp cùng với sự nỗ lực không mệt mỏi, tìm cách phổ biến mới cho những điều luật tưởng chừng đã cũ của đồng chí Tải”.  
Khi được hỏi sẽ theo đuổi nghề tư pháp đến khi nào, ông chỉ  cười hiền hậu:“Lính Cụ Hồ mà, còn sức là còn chiến đấu”. 
Đồng Minh là xã xa trung tâm TP.Hải Phòng, được phân chia thành 14 thôn với hơn 8.000 nhân khẩu. Liên tục nhiều năm liền, Ban Tư pháp xã Đồng Minh được Sở Tư pháp tặng Cờ thi đua cho đơn vị thi đua xuất sắc, Giấy khen, Bằng khen của UBND xã, huyện, Sở Tư pháp TP và CLB  TGPL được nhận Bằng khen của Bộ Tư pháp vì có thành tích xuất sắc trong công tác phổ biến, giáo dục pháp luật, TGPL cho phụ nữ.
Văn Khúc (Pháp luật Online)

Bình luận

lượt bình luận

Bạn chấm mấy "sao" cho bài viết này?

  • Total Score 0%
User rating: 0.00% ( 0
votes )