.
.

.

Thuốc lào Vĩnh Bảo quê tôi


Chị Kim Thanh (Phù thủy gáo dừa) quê ở Vĩnh Bảo, Hải Phòng, hiện đang sống và làm việc tại Thành phố Hồ Chí Minh có đặt Cát Biển một bài viết về “Thuốc lào Vĩnh Bảo”. Nhân những ngày nghỉ cuối tuần, xin đưa lên blog tặng chị Kim Thanh và mời các bạn đọc cho vui.

Huyện Vĩnh Bảo cách trung tâm thành phố Hải Phòng 40km, tiếp giáp với hai tỉnh Hải Dương, Thái Bình và huyện Tiên Lãng. Vĩnh Bảo có diện tích 18.019,06 ha, dân số 172.698 người. Có 1 thị trấn Vĩnh Bảo và 29 xã: An Hoà, Cao Minh, Cổ Am, Cộng Hiền, Vĩnh Tiến, Đồng Minh, Giang Biên, Hiệp Hoà, Hoà Bình, Hùng Tiến, Hưng Nhân, Liên Am, Lý Học, Nhân Hoà, Tam Cường, Tam Đa, Tân Hưng, Tân Liên, Tiền Phong, Thanh Lương, Thắng Thuỷ, Trung Lập, Trấn Dương, Vinh Quang, Vĩnh An, Vĩnh Long, Vĩnh Phong, Vĩnh Tiến, Việt Tiến.

Thời Hùng Vương, Vĩnh Bảo thuộc bộ Dương Tuyên, một trong 15 bộ của đất Văn Lang xưa. Thời Tần, thuộc Tượng Quận. Thời Hán, thuộc Giao Chỉ. Thời Trần, thuộc Hải Đông. Thời Minh thuộc Tân An…Tên gọi Vĩnh Bảo chỉ có trên 100 năm nay. Vào năm 1838, huyện Vĩnh Bảo được thành lập theo đề nghị của tổng đốc Hải Dương Nguyễn Công Trứ. Năm 1952 huyện Vĩnh Bảo được sáp nhập vào tỉnh Kiến An. Ngày 27.10.1962, tỉnh Kiến An và thành phố Hải Phòng hợp nhất, Vĩnh Bảo là một huyện ngoại thành, vào loại lớn và xa trung tâm thành phố nhất. Ngày 18.3.1986, thành lập thị trấn Vĩnh Bảo. Hệ thống sông ngòi ở Vĩnh Bảo có vai trò giao thông quan trọng, với các sông lớn như: sông Thái Bình, sông Hoá, sông Luộc,…

Thuốc lào Vĩnh Bảo là đặc sản quê tôi với diện tích 200ha, sản lượng khoảng 210 tấn/ năm. Qua cánh đồng trồng thuốc lào, những cây thuốc thân thấp mập mạp lá to đang kỳ bánh tẻ, mùi thuốc lá thoảng lẫn trong vị ngọt ngào của ngô non và đòng đòng quanh đấy, như một sự tẩm ướp tinh tế. Đến Vĩnh Bảo nghe người Vĩnh Bảo rít thuốc lào thì khỏi phải nói, chưa làm một điếu cày cũng cảm thấy ngây ngây say, say vì cái dáng vẻ điệu nghệ của người vùng quê hương thuốc lào nhả khói thơm lừng. Ca dao về thuốc lào Vĩnh Bảo có câu:

Nhớ ai như nhớ thuốc lào
Đã chôn điếu xuống lại đào điếu lên.

Các nghề tiểu thủ công nghiệp truyền thống ở Vĩnh Bảo thật phong phú: điêu khắc ở Đồng Minh, dệt chiếu ở Trấn Dương, dệt vải ở Cổ Am, mây tre ở Tân Hưng, thảm đay ở An Hoà, đồ gốm ở Tân Hưng,… Trên địa bàn huyện có nhiều chợ ra đời sớm như: chợ Cát ở Tam Cường, chợ Cõi ở Cao Minh, chợ Mét ở Dũng Tiến,…
Đất Vĩnh Bảo có nhiều danh nhân, trong đó nổi bật là danh nhân văn hóa Trạng Trình Nguyễn Bỉnh Khiêm. Các cụ già đất Vĩnh Bảo kể lại: “Cụ Trạng tiên lượng việc vị lai như thần. Cái câu ”Bao giờ Tiên Lãng chia đôi, sông Hàn nối lại thì tôi lại về”, đến bây giờ mới rõ. Cái năm cầu phao sông Hàn được bắc nối hai huyện Tiên Lãng – Vĩnh Bảo; con sông đào cổ xưa chảy ngang qua Tiên Lãng bị bỏ lấp từ lâu được khơi lại; thì ngay sau đó rộ lên hội thảo, sưu tầm khảo cứu về danh nhân văn hoá Nguyễn Bỉnh Khiêm. Rồi văn thơ Nguyễn Bỉnh Khiêm được in ra, cả ”Sấm Ký Trạng Trình” nữa. Thiên tài của Người đã được công nhận và tôn vinh. Thế là Người đã về đúng với ngôi vị của mình. Một thời Sấm Ký bị coi là sách mê tín dị đoan. Bây giờ dùng Lý học mà suy thì có nhiều việc đã xảy ra rất linh nghiệm”

Văn hoá nghệ thuật dân gian Vĩnh Bảo mang nhiều nét cổ xưa, phong phú và đa dạng, thể hiện qua hội làng với hát chèo, hát ví, ca dao, hò vè, rối nước, rối cạn, một số tập tục như thả đèn trời, ném pháo đất, đặc biệt là môn vật, có truyền thống lâu đời.
Hệ thống đình, chùa Vĩnh Bảo mang nét kiến trúc nghệ thuật điêu khắc độc đáo, như: đình Cung Chúc ở Trung Lập, đình An Quý ở Cộng Hiền, đình Lễ Hợp ở Tam Đa, miếu Cựu Điện ở Nhân Hoà, đình Vĩnh Lạc ở Tiền Phong, đình Từ Lâm ở Đồng Minh, miếu Tràng ở Cổ Am, chùa Thái ở Trấn Dương, đình Quán Khái ở Vĩnh Phong,…

Vĩnh Bảo bây giờ còn là địa điểm “du lịch, du khảo đồng quê” lý thú của thành phố Hải Phòng. Tuyến du khảo đồng quê này gồm liên đới 3 xã: Đồng Minh, Lý Học và Vĩnh Phong. Tại mỗi xã đều có nét đặc thù riêng mà không nơi nào có được. Xã Đồng Minh với làng nghề điêu khắc truyền thống độc đáo. Đi dài theo con đường làng, du khách có dịp chiêm ngưỡng những nghệ nhân là những cô gái trẻ đẹp với đôi tay như múa với cây đục, tạo hồn cho những bức tượng. Khách đến Vĩnh Phong, nghe văng vẳng từ xa tiếng chuông chùa vọng lại, ngôi chùa cổ An Lạc xây dựng gần 500 năm, với hàng trăm pho tượng cổ quý hiếm.

Đến với Vĩnh Bảo, du khách còn gặp lại nếp nhà xưa truyền thống một thời của nông thôn miền Bắc, mái ngói tường rêu và cái ao trước mỗi sân nhà, mặt nước xanh màu phong sương cũ. Sáng sáng chiều chiều, các cô thôn nữ duyên dáng ngồi giặt áo bên cầu ao. Và gặp nét dí dỏm của điếu thuốc lào Vĩnh Bảo khi một hơi thuốc rút đến kiệt lửa đóm, rồi phả khói mù mịt làm cảnh vật trước mắt chập chờn ẩn hiện như thực như ảo:

Thoáng bóng ai về trong khói thuốc
Mắt cười lúng liếng lá răm tươi…

Sách “Vân Đài loại ngữ” của Lê Quý Đôn và tập “Đồng Khánh dư địa chí” gọi cây thuốc lào là: Tương tư thảo.
Vĩnh Bảo, vùng đất văn nhân hào kiệt có danh nhân văn hóa Trạng Trình Nguyễn Bỉnh Khiêm, và có một loài cây kỳ thú mang cái tên gợi thương nhớ như vậy đấy bạn ạ.

Cùng vào đây để đưa ra những ý kiến của mình, cảm xúc của bạn về cây thuốc lào Vĩnh Bảo nha.

http://fr.vinhbaoclub.com/showthread.php?355

M.I.N (Sưu tầm)

Bình luận

lượt bình luận

Bạn chấm mấy "sao" cho bài viết này?

  • Total Score 0%
User rating: 86.67% ( 3
votes )