.
.

.

Kỳ tích lớp có 4 thủ khoa đại học ở một “trường làng”


Ngày 28-7, lớp 12A1 của Trường THPT Vĩnh Bảo (TP Hải Phòng) “trọn niềm vui” khi nhận được tin có bốn học sinh đỗ thủ khoa và một học sinh đỗ á khoa trong kỳ thi đại học diễn ra trên cả nước vừa qua. Kỳ tích hiếm hoi này càng khẳng định thêm truyền thống hiếu học và có bề dày về số học sinh đỗ đạt cao của vùng đất học Vĩnh Bảo…

4 thủ khoa và cô giáo chủ nhiệm

4 thủ khoa và cô giáo chủ nhiệm

 

“HOA HỌC ĐƯỜNG”

Chiều 29-7, cả lớp 12A1 vui sướng khi biết tin toàn bộ lớp đều đỗ ĐH. Niềm vinh dự lớn nhất là các “đóa hoa trạng nguyên” cũng “nở rộ” ở lớp học này. Đó là, em Phạm Mạnh Trường, đỗ thủ khoa Trường đại học Bách khoa Hà Nội với 29 điểm; em Lê Thị Thu Hường, đỗ thủ khoa Trường đại học Y Hải Phòng với 28 điểm; em Nguyễn Bích Hòa, đỗ thủ khoa Trường đại học Lâm nghiệp với 26 điểm và em Phạm Ngọc Quân, đỗ thủ khoa khối B, Trường đại học Hải Phòng với 25 điểm. Ngoài ra, em Vũ Trung Đức cũng đỗ á khoa ĐH Sài Gòn.

Chúng tôi bất ngờ gặp các thủ khoa tại sân ngôi trường quen thuộc của các em. Vẫn bộ đồng phục học sinh giản dị đã ngả màu, chân xỏ đôi dép lê cũ, gương mặt các em dường như còn thấy hiện lên sự mộc mạc hồn nhiên và dấu ấn của miền quê thuần nông nghèo đất Cảng. 18 tuổi, nhưng các em không chút “màu mè” của các cô chiêu cậu ấm đến trường chưng diện mà chỉ thấy sự lao động cần cù giúp đỡ gia đình hiện rõ trên những vết chai tay, móng chân vàng mầu đất của ruộng đồng. Cần cù, lao động cực nhọc để giúp gia đình còn nghèo nhưng cái đáng nể là trí tuệ đã bước đầu gặt hái được thành công…

Các “đóa hoa trạng nguyên” lớp 12A1 Trường THPT Vĩnh Bảo năm nay đều dự thi và cùng đỗ cả hai trường đại học với số điểm cao. Phạm Mạnh Trường, thủ khoa đại học Bách khoa Hà Nội là thí sinh duy nhất đạt điểm 10 môn Toán trong số hơn 9.400 thí sinh dự thi vào trường năm 2011. Là thủ khoa có hoàn cảnh khó khăn hơn cả, Trường tâm sự: “Bố em đi làm thuê xa nhà, mẹ ở nhà lo việc đồng áng.

Sắp đến kỳ thi đại học nên em cũng được “tập trung” hơn cho việc học hành. Hàng ngày, ngoài việc học, em có thêm “nhiệm vụ” làm việc nhà để phụ giúp mẹ rảnh tay lo việc đồng áng…”. Trưởng thành từ một vùng đất thuần nông, nhiều người vẫn còn phải “chân lấm tay bùn” để nuôi dưỡng giấc mơ “đổi đời” bằng con đường “học tiến”, Trường mong muốn mình trở thành người góp sức đem khoa học về “giải phóng” những đôi bàn tay của thế hệ cha anh mình khỏi bùn đất với ước mơ được trở thành một lập trình viên tin học.

Mỗi con người đều có một ước mơ để vươn đến. Vượt được “đỉnh núi” rồi, tiếp bước trên con đường tương lai vẫn còn lắm gian nan, còn cần đến nhiều ý chí và sự giúp sức của các thầy cô giáo, gia đình và xã hội. Thủ khoa của Trường đại học Y Hải Phòng Lê Thị Thu Hường cho biết, “em mong muốn được trở thành bác sĩ để chữa bệnh giúp người nông dân nghèo quê mình”. Và dường như đâu đó cái nghèo của nghề nông vẫn ám ảnh cả vào những ước mơ nghề nghiệp của thế hệ trẻ. Tuy đỗ thủ khoa của Đại học Lâm nghiệp nhưng Nguyễn Bích Hòa cho biết, em lại quyết tâm theo học nghề kế toán tại ĐH Kinh tế Quốc dân HN.

Cũng có sự lựa chọn khác là Phạm Ngọc Quân. Em cho biết là cũng sẽ bỏ Đại học Hải Phòng – nơi em đỗ thủ khoa (khối B) để quyết theo học khoa Điện tử Viễn thông, ĐH Bách khoa HN. Với Hòa và Quân, các em cho hay là chỉ theo chúng bạn đi thi thêm ĐH Lâm nghiệp và ĐH Hải Phòng chứ không có ý định vào học tại đây ngay từ đầu. Tuy nhiên, Hoà và Quân rất vui khi biết mình đỗ thủ khoa dù sẽ không theo học.

NGÔI “TRƯỜNG LÀNG” CÓ NHIỀU THỦ KHOA

Năm nay, tin vui là hơn 50% học trò lớp 12 Trường THPT Vĩnh Bảo đỗ ĐH. Tuy là một huyện thuần nông ở Hải Phòng nhưng phải đến 6 năm liên tục gần đây, Trường THPT Vĩnh Bảo đều có nhiều học sinh đỗ thủ khoa.

Thầy Hiệu trưởng Trường THPT Vĩnh Bảo Nguyễn Hữu Kiên phấn khởi: “Tôi tin rằng, truyền thống của vùng đất học Vĩnh Bảo và ngôi trường hàng chục năm có thành tích cao này đã khuyến khích để các em vươn lên học giỏi. Một trong những “bằng chứng” có thể thấy là trường tôi đầu vào mở rộng, nhưng đầu ra vẫn cho chất lượng cao. Do trường ngoại thành đa số học sinh nghèo nên học sinh trường tôi thi đầu vào điểm khá thấp, kém hơn hẳn so với các trường nội thành. Cơ sở vật chất của nhà trường lại càng kém xa, thiếu thốn đủ thứ để học sinh được học cả lý thuyết và thực hành. Thầy cô giáo của trường cũng bắt đầu từ cái nền không bằng được các trường ở nội thành.

Đó là chưa kể, đa số phụ huynh các cháu học sinh đều làm nông nghiệp, không nhiều tiền đầu tư cho cái học như ở nhiều nơi khác. Thậm chí, nhà trường còn thường bị “chảy máu chất xám” vì thầy cô nào dạy giỏi cũng cố xin vào các trường nội thành cả. Nhưng kết quả học tập của các em học sinh làm tôi thấy vô cùng tự hào. Có nhiều người nói và cũng có lý đúng là “Học để mà thoát nghèo”. Các thầy cô ở đây dạy và chăm sóc có trách nhiệm với học sinh bằng cả tấm lòng chứ các gia đình nông dân làm gì có tiền. Bên cạnh đó, trường chúng tôi luôn tạo môi trường học tập sôi nổi, các em hăng hái học, thầy cô phát huy hết năng lực. Chúng tôi không đặt ra hoặc ép các em HS học để cố đoạt giải quốc tế, quốc gia mà học đều các môn một cách tự nguyện. Học để lấy kiến thức chứ đâu chỉ để thi…”.

Lời thầy giáo hiệu trưởng nhà trường mộc mạc nhưng đúng là những lời từ tận đáy lòng của một “người chèo đò” đã có hàng chục năm gắn bó với nghề. Bốn thủ khoa nhà trường đều cho hay là không hề chịu sức ép hay áp lực quá lớn trong việc học hành ở trường. Tình thầy trò ở ngôi trường làng Vĩnh Bảo này như ruột thịt.

Mới đây, thấy hoàn cảnh gia đình em Lê Trung Kiên (thủ khoa ĐH Bách khoa HN) quá nghèo không thể đi học, vợ chồng thầy cô giáo Nguyễn Văn Tiến và Hồ Thị Lê (cựu giáo viên Trường THPT Vĩnh Bảo) liền tặng em Kiên 3 triệu đồng. Số tiền không nhiều nhưng ở một vùng quê thuần nông như Vĩnh Bảo là cả một tài sản lớn. Chính tình cảm giữa thầy và trò như cha mẹ với con và phương pháp dạy không gây áp lực đè nặng lên vai học trò bằng các mục tiêu giành giật giải trong các cuộc thi đã làm nên “kì tích” hôm nay. Hai năm học gần đây nhất, HS Trường THPT Vĩnh Bảo luôn đỗ tốt nghiệp 100%, số HS giỏi đứng thứ 3, thứ 4 đất Cảng…

Trung Kiên (Báo An Ninh Hải Phòng)

Bình luận

lượt bình luận

Bạn chấm mấy "sao" cho bài viết này?

  • Total Score 0%
User rating: 0.00% ( 0
votes )