.
.

.

10 năm lái đò không công


Gần 10 năm nay, ông Trần Văn Khương – 54 tuổi, ở thôn Lô Đông, xã Vĩnh Long, huyện Vĩnh Bảo, Hải Phòng đã bỏ cả nhà, cả việc để làm một việc “điên rồ” là lái đò không công chở những học sinh, người dân trong cái thôn vốn là “ốc đảo” giữa mênh mông nước.

Bỏ nhà ra bến, lái đò không công

Không lãng mạn, chẳng có tiếng gọi “đò ơi” như trong một bài hát nào đó về ông lái đò, con đò chúng tôi đi chẳng có gì đặc biệt, tiếng máy nổ bình bịch, khói đen ngòm. Trên đò ngoài ông Khương lái đò dáng người mảnh khảnh, đen nhẻm và tôi là mấy cô cậu học sinh vừa từ trường về nhà, mấy bà hàng xén lỉnh kỉnh quang gánh và dăm ba bác nông dân chân vẫn nguyên bùn đất. Khác với nhiều lái đò tôi đã gặp, ông Khương chẳng chút vồn vã khi đón khách, trái lại gương mặt và nụ cười còn thể hiện sự bình thản như thể chuyện tôi bước lên đò và ông đưa qua sông là chuyện đương nhiên, có gì đâu mà lạ.

Gần 10 năm qua ông Khương tình nguyện lái đò không công.

Gần 10 năm qua ông Khương tình nguyện lái đò không công.

Thôn Lô Đông có hơn 130 hộ gia đình với 450 nhân khẩu chia làm 5 xóm. Vì điều kiện tự nhiên mà xóm 5 (còn gọi là xóm Trượng) bị chia cắt bởi dòng sông Hoá trở thành một “ốc đảo” giữa mênh mông nước. Từ lâu học sinh, người dân trong xóm muốn đến trường, đến trung tâm xã thì phải qua được khúc sông mùa nào nước cũng cuồn cuộn chảy. Ông Đoàn Văn Liệu – Chủ tịch xã Vĩnh Long kể: “Hơn 10 năm trước, chính quyền địa phương đã dành kinh phí mua sắm phương tiện và cắt cử người làm nhiệm vụ chở đò từ xóm Trượng vào trung tâm xã.

Nhưng chỉ được một thời gian, lần lượt những chủ đò đều xin nghỉ vì công việc phải thức khuya dậy sớm, mưa nắng mệt nhọc mà công cán thì chẳng đủ mưu sinh. Thêm nữa, từ ngày Nhà nước quy định những người chở đò phải có chứng chỉ hành nghề khiến cho việc “tuyển” người chèo đò của xã Vĩnh Long gặp nhiều khó khăn. Kiếm tìm mãi vẫn không có “ứng viên” kế nhiệm nào hội đủ điều kiện. Giữa lúc đó, ông Trần Văn Khương đứng ra nhận lái đò và gần 10 năm qua ông Khương lái đò rất an toàn…”.

Ông Khương vốn học nghề thuỷ thủ, từng theo các chuyến tàu xuôi ngược khắp các vùng biển từ Bắc vào Nam nhưng vì sức khoẻ yếu ông đành về quê. Ngày đầu tiếp xúc, ông đã tuyên bố với xã một câu “điên rồ” là sẽ nhận việc lái đò với điều kiện là… không thu phí của người đi đò. “Tất nhiên là xã đồng ý ngay vì lái đò không lấy tiền thì ông Khương chịu thiệt chứ xã đâu có mất gì?” – Chủ tịch xã Vĩnh Long nhớ lại.

Ý tưởng này ban đầu bị những người trong thôn, ngoài xã nghi ngờ: Chở đò miễn phí thì tiền đâu mua dầu, tiền đâu bảo dưỡng đò? Mặc kệ dư luận, ông Khương chỉ cười, không đáp trả và lặng lẽ làm việc của mình. Không chỉ có vậy, đầu năm 2006, dù kinh tế gia đình thuộc diện trung bình khá trong xã, có nhà cửa khang trang nhưng ông Khương gần như “bỏ nhà” ra bến sông dựng một túp lều rồi sống luôn ở đó để tiện việc đưa đò.

Túp lều mà nhiều người gọi vui “lều ông Khương” ấy lỉnh kỉnh nào phao cứu hộ, áo cứu hộ do đoàn thanh niên tặng, 2 chiếc giường đã ọp ẹp và vài bộ quần áo đơn sơ. Do không có khoản thu nhập nào, ông Khương bàn tính với vợ mua thêm ít đồ tạp hoá để “kinh doanh” lấy lãi. Do vậy, cô con dâu duy nhất của ông được cắt cử trông coi hàng tạp hoá và phục vụ cơm nước cho bố.

Ngần ấy năm ông Khương làm nghề lái đò là ngần ấy năm một tay vợ ông, bà Trần Thị Lý thay ông “gánh vác” gia đình. Làm cái nghề tưởng chừng đơn giản này không được phép nghỉ ngơi bất cứ ngày nào, kể cả ngày cô bác, anh em ruột thịt qua đời hay cháu chắt dựng vợ gả chồng. “Vào ngày giỗ bố và ngày làm đám tang cho anh trai ruột, ông ấy cũng chỉ có mặt vào phút chót vì không thể để đò không người lái. Vừa chèo đò, ông ấy vừa đau đáu nghĩ xem gia đình lo liệu công việc đến đâu. Thế là tôi phải đi nhờ vả mấy người hàng xóm ra thay ca để ông ấy chạy về thắp cho bố, cho anh nén nhang. Nghĩ lại thấy tủi” – vợ ông Khương tâm sự.

Ông Khương với tấm bằng khen do Phó Chủ tịch Nước tặng.

Ông Khương với tấm bằng khen do Phó Chủ tịch Nước tặng.

Còn sức tôi còn lái…
Đều đặn hằng ngày ông Khương dậy từ lúc 4 giờ sáng để chở chuyến đò đầu tiên, chuyến muộn nhất nhiều khi đến 21 giờ tối là lúc các học sinh đi học thêm về. Đã gần 10 năm nay, ông Khương trở thành “người bạn” lớn của những cô cậu học trò. Chúng thi nhau kể cho ông nghe về những bài học trên lớp với những niềm vui, nỗi buồn tuổi mới lớn. Trên một chuyến đò muộn, mấy cô cậu học trò vừa đi học thêm buổi tối về, xuống đò đã nhao nhao trêu chọc nhau, bá cổ ông Khương tâm sự. Chúng tíu tít khoe “hôm nay cháu được điểm 8, lâu lắm rồi mới có điểm cao”. Đứa khác chen vào “chẳng biết có nhìn bài ai không?” rồi cười vang. Những lúc như vậy ông Khương chỉ ôn tồn: Các cháu cố gắng học, đừng để xóm mình mang tiếng là học kém.

“Vì sao ông không thu tiền khi đưa đò?” – tôi hỏi lúc ngồi trên đò ông qua sông. Lúc đầu ông chỉ cười, sau tôi hỏi tới, ông mới nhíu mày: “Nói có thể chú không tin, nhưng tôi lái đò không công đơn giản vì lũ trẻ trong thôn. Tôi không muốn nhìn đám trẻ chỉ vì cách trở sông nước, vì không có tiền đi đò mà đường học hành bị lỡ dở”. Ông bảo “những bà hàng xén, mấy bác nông dân mỗi ngày qua đò vài lần rồi những người khách tới xóm Trượng chơi thỉnh thoảng dúi vào tay tôi vài chục, nói là “để ông đổ dầu cho đò chạy” thì tui lấy, nhưng học trò thì nhất quyết không”.

Bà Nguyễn Thị Bình ở thôn Lô Đông, có mặt trên chuyến đò hôm đó với tôi tiếp lời: “Những gia đình có con học cấp III nhiều lần đến gặp và muốn bồi dưỡng cho ông chút đỉnh để đổ xăng dầu. Ấy vậy nhưng ông gạt phắt đi và bảo: Chỉ cần chúng nó học giỏi và đỗ đại học là được rồi. Tôi không có gì vui bằng”.

Nghe vậy ông Khương cười chúm chím: “Lần đầu tiên có mấy cô cậu sinh viên về thăm nhà gọi đò qua sông, tôi vui đến rơi nước mắt. Hơn 10 năm trước cả xóm Trượng không có sinh viên nhưng nay con số sinh viên là người trong xóm đã là hơn 10 người, ai cũng từng ngồi trên con đò này để đến trường từ nhỏ…”.

Một niềm vui khác của ông Khương là gần 10 năm ông ra bến sông lái đò, xóm Trượng không còn người chết trên sông. Trước đây đoạn sông chảy qua xóm Trượng là khúc sông tử thần. Đã từng có nhiều cái chết do đắm đò, lật thuyền hay người dân bơi qua sông. Ấy vậy mà gần 10 năm qua, từ khi ông Khương lái đò, không hề xảy ra một va chạm nào. Người dân xóm Trượng mỗi khi đi ra khỏi “ốc đảo” của mình đều lên đò ông Khương và đều đi đến nơi về đến chốn. Với ông Khương, chèo đò cũng là một đam mê và nghệ thuật.

Ông cho biết: “Chỉ có khúc sông ngắn chưa đầy 1 cây số nhưng cần phải tỉnh táo, bình tĩnh mọi lúc. Con sông Hoá này rất nhiều tàu chở hàng, tàu cát chạy qua, mình chở đò phải biết phân biệt âm thanh, quan sát những con tàu sắp chạy qua để biết tốc độ của chúng ra sao, tạo sóng thế nào để lái đò tránh. Đặc biệt là mùa nước lớn tháng 6, tháng 7 khi đó nước cuồn cuộn chảy tạo ra nhiều vũng xoáy chết người, lái đò qua đó phải biết lựa, biết vòng tránh để đảm bảo an toàn.

Ông Khương “thờ ơ” với tiền, nhưng lại rất quý và nâng niu, gìn giữ cẩn thận các bằng khen mà ông có được trong 10 năm qua. Bằng đầu tiên là do Chủ tịch UBND thành phố Hải Phòng tặng vào năm 2012 và kèm theo phần thưởng khích lệ 1 triệu đồng. Cuối năm 2013, ông Khương vinh dự là một trong năm tấm gương lao động xuất sắc trên cả nước được nhận giải thưởng KOVA với một bằng khen và một phần thưởng 15 triệu đồng do Phó Chủ tịch Nước Nguyễn Thị Doan trao tặng.

Ông Đoàn Văn Liệu – Chủ tịch xã Vĩnh Long tự hào: “Xã chúng tôi rất may mắn khi có một người lái đò tận tâm như ông Khương. Vừa qua, UBND xã Vĩnh Long cũng đã trích kinh phí cải tiến phần đáy chiếc đò từ thân gỗ thành sắt để nó thêm vững chắc hơn…”.

“Bao giờ thì ông thôi chèo đò không công ở bến sông này? – tôi hỏi khi đò cập bến. Ông cười lặng lẽ: “Đến khi nào không còn sức khoẻ để chèo đò nữa, tôi sẽ nghỉ”.
Theo: Lao Động

Bình luận

lượt bình luận

Bạn chấm mấy "sao" cho bài viết này?

  • Total Score 0%
User rating: 0.00% ( 0
votes )