Lễ hội pháo đất xã tân liên, trò chơi dân gian đặc sắc

taodo

Trùm quậy phá VBC
Anh%20phao%20dat%202.jpg

Cứ vào trung tuần tháng 8 âm lịch hàng năm, khi mùa bão, úng, lũ lụt đã qua; khi các đồng lúa đã được bón chăm đủ độ đang vào thời kỳ làm đòng. Ấy là lúc nông nhàn và các đình làng, nay nơi này, mai nơi khác lại vang lên tiếng trầm hùng của hội thi pháo đất. Pháo đất là một trò chơi dân dã. Với chất liệu sẵn có là đất, luật chơi đơn giản, kỹ thuật phơi bầy tự nhiên như công việc đồng áng thường ngày, nên ai cũng có thể chơi được nếu có sức khoẻ. Cách thức tổ chức cuộc chơi giống như rủ nhau làm vườn, gặt lúa. Vậy mà nó phân định tài năng một cách rõ ràng, minh bạch, để thắng cuộc không những phụ thuộc vào cách chơi điêu luyện của từng người mà còn phụ thuộc vào sự chung sức, chung lòng của toàn đội. Đó là ý nghĩa sâu sắc của pháo đất.
Đất làm pháo phải lấy từ đáy sông hoặc ở tầm sâu trên đồng ruộng. Đất lấy từ chiều hôm trước, người lấy đất lựa miếng không có tạp chất (cát, sỏi, rễ cây) đem về nhà thái lát ấp vào tường để hút vợi nước. Bây giờ cũng là lúc mà dài pháo mời 1 cụ già làm lễ cáo yết với Thành Hoàng làng để cầu cho cuộc chơi hanh thông. Lễ vật thường là hương hoa và không quên một nắm đất pháo để kính cáo với bề trên. Như vậy mỗi lần hội pháo đất diễn ra đều được chứng giám của Thành Hoàng các làng trong một vùng. Sau khi cơm tối xong, các pháo thủ tập trung nhau giã đất, dùng dây thái (xén) đất thành từng mảnh mỏng để làm sạch các xơ cỏ, rễ cây, rồi nhào, nặn cho thật nhuyễn, thật mịn như khoanh giò lụa.
Cùng với sự giúp đỡ động viên của các cụ già trong xóm, các pháo thủ làm đất cho tới tận khuya dưới ánh trăng bên nồi nước chè xanh và khói thuốc lào chuyện trò say sưa rôm rả.
Đất làm pháo là đất sét nặng lại được chọn lựa kỹ càng như vậy vì chất lượng của đất có tính quyết định thành bại của cuộc chơi. Không thể thay đất bằng chât liệu khác, càng không thể pha trộn đất với những vật liệu dẻo, dai hơn.
Làm nên pháo hoàn toàn bằng sự khéo léo của đôi bàn tay; cái tài hoa của đôi bàn tay nặn pháo được dẫn dắt bởi cảm giác tinh tế và lòng yêu thương đất đai của người làm pháo mới có thể phát hiện ra độ dày, mỏng khác nhau của manh pháo dù chỉ một vài li, phát hiện ra cả những tạp chất nhỏ lẫn vào đất và những bóng khí bên trong; để nắn, bóp sao cho toàn bộ "giềng" pháo phải đều, chắc và dẻo như nhau, để khi tung ra giềng không bị đứt. Có người thay thế đôi tay bằng công cụ khác, đều không hiệu quả. Vì vậy mỗi chiếc pháo làm xong như một tác phẩm nghệ thuật, thon thả, đều đặn, quanh "giềng" in những dấu vân tay như hoa văn độc đáo, chuông chắn giống như những chiếc chiêng đồng.
Cũng như cách chọn đất và làm pháo, tổ chức hội thi pháo đất cũng hoàn hảo đến mức cổ điển. Cách chi dài pháo (dài là cách gọi của một dẫy nhiều người cùng chuyển đất đắp đê) có thể từ 8 - 10 pháo thủ một dài. (Thường lệ mỗi xóm hoặc mỗi làng 1dài ) mang tính cộng đồng chặt chẽ, mỗi pháo của một dài là của chung cả dài, mỗi dài pháo là niềm tự hào của một làng, một xóm. Pháo của bất kỳ ai trong cuộc ra nhất đều được cả hội tôn vinh.
Hội thi pháo đất thu hút tất cả mọi người trai tráng thì chọn đất, dận đất làm pháo, người có tuổi thì ngồi bên chỉ bảo hướng dẫn kinh nghiệm; phụ nữ nấu nước mang cơm phục vụ... Ngày hội pháo đất cả làng đều bận bịu, náo nức. Công đoạn làm đất đã kỹ càng, khi làm ra pháo lại càng tỉ mỉ khó nhọc. Pháo hình E líp dài từ 70 đến hơn 1m, rộng 40cm - 60cm, có quả pháo nặng 30kg có quả nặng tới 40kg hoặc hơn nữa tuỳ theo sức lực và sự khéo léo của người dùng. Vì thế khi làm pháo người ta phải lót mo cau để dễ lấy pháo ra khỏi phản gỗ và trong thân pháo phải ghép xương bằng tre. Hào hứng và hồi hộp nhất là lúc chơi pháo, trong không khí rộn ràng, thôi thúc của tiếng trống ngũ liên; ba, bốn người nâng pháo lên tay cho người chơi, sao cho pháo không bị rã, bị lệch. Khi pháo đã nằm gọn trên tay pháo thủ, mọi người lui ra, đó là lúc phảo thủ phải tự mình dùng toàn thân đỡ pháo và bằng sự khéo léo tuyệt vời của đôi tay, gieo cho pháo tiếp đất thật cân bằng, cùng với tiếng nổ là giềng pháo tung ra. Cũng có pháo khi tiếp đất không có tiếng nổ, không ra manh đó là pháo tịt, có pháo manh tung ra nhưng bị đứt làm hai hoặc nhiều đoạn đó là pháo tan, cả hai là những pháo hỏng. Mỗi pháo thủ trong cuộc chơi phải tung 3 pháo (gọi là tung tiên, tung nhì, tung ba) và úp 3 pháo (gọi là úp tiên, úp nhì, úp ba). Mỗi lần tung hoặc úp đều dùng trượng để đo, ai có giềng pháo ra dài nhất sẽ được thưởng. Độc đáo nhất là dù ít hay nhiều người, nhiều dài dự thi thì hội pháo cũng chỉ diễn ra trọn một ngày.
Qui ước tính điểm hơn kém, trong cuộc chơi tuy đơn sơ, mộc mạc nhưng rất chặt chẽ và công khai. Dù hội pháo có 2 dài hay 20 dài dự thi thì thủ tục cũng giống hệt nhau. Mỗi dài có một thủ trịch làm nhiệm vụ ghi điểm và giám sát các thủ trịch khác, 1 thủ trượng để đo và giám sát cách đo lẫn nhau; cách đo bằng trượng (gậy tre dài 5 thước ta, xưa dùng để đo ruộng) các thủ trượng đánh dấu số dư đo được trên trượng của mình bằng mấu đất, và các thủ ttrịch chỉ ghi kết quả số trượng, mỗi trượng một khuyên tròn. Hội thi pháo đất tuyệt nhiên không có ăn thua sau hội nếu có thắng, thua là thắng thua tuyệt đối, không có 2 dài hoà, đã có 2 dài hoà là hoà cả làng. Tiền góp cho hội pháo là của mọi người, dù thắng, dù thua cũng chỉ đủ một bữa liên hoan thân mật thường là vui chung cho trai tráng trong làng. Mỗi khi có hội pháo là dịp bà con, anh em thân thuộc, đồng môn, đồng tuế qua lại thăm hỏi nhau, đó là nơi giao lưu tình cảm và là dịp học hỏi nhau về kinh nghiệm đồng áng.
Vậy pháo đất có từ bao giờ? đó là câu hỏi mà tìm được câu trả lời không phải dễ dàng. Xung quanh nguồn gốc của trò chơi pháo đất đã từng có nhiều giả thuyết khác nhau, song dù đúng, dù sai mặc lòng; Trò chơi pháo đất vẫn cứ hồn nhiên diễn ra hàng ngàn đời nay và người tham gia và cổ vũ vẫn ngày càng đông. Chưa thoả lòng hăng chắc, chỉ có những người muốn tìm hiểu cặn kẽ sâu sắc trò chơi dân gian này. Xin nêu một vài giả thuyết. Trước hết vì sao trò chơi này có tên là pháo đất? Ấy là chất liệu làm nên pháo, là đất và khi chơi, mỗi pháo đều phát ra tiếng nổ. Tiếng nổ của pháo đất trầm và đục khiến người ta liên tưởng tới tiếng nổ của súng thần công, thế nên có giả thuyết cho rằng làm nên pháo đất là cách ứng xử của cha ông xưa, của nền văn hoá lúa nước với môi trường xã hội. Tiếng pháo đất đã góp phần ngăn chặn bước xâm lăng của giặc dã. Tiếng pháo nhiều phen đã gây hoang mang bọn xâm lược tạo cơ hội để cha ông chiến thắng giặc ngoại xâm. Song do sự truyền tụng lại của nhiều đời thì pháo đất có từ rất sớm, có trước khi có súng thần công bởi súng thần công mới có từ thời Nguyễn.
Giả thuyết thứ hai cho rằng pháo đất nẩy sinh từ nền văn hoá lúa nước là cách mà cha ông ứng xử với môi trường tự nhiên. Một trong những công trình văn hoá vĩ đại nhất, của cư dân trồng lúa nước là những tuyến đê sông để biển lượn dài tít tắp ngăn lũ, lụt bảo vệ mùa màng. Đắp đê, quai đê là công việc thường xuyên hàng năm của cha ông ta từ ngàn xưa cho đến tận bây giờ, đắp đê là công việc nặng nhọc (thổ mộc) của toàn dân. Trai tráng đảm đương việc nặng, người già thì dẫn dắt chỉ bảo, phụ nữ thì phục vụ. Trong những phút nghỉ ngơi người ta nẩy sinh nhu cầu thư dãn và thế là những trò chơi làm từ đất được hình thành. Một trong những trò chơi ấy là pháo đất. Trò chơi này kích thích hứng thú cho người chơi trước hết là có tiếng nổ, giống tiếng nổ của chiếc pháo “đùng” (pháo đùa của người Trung Quốc- nước phát minh ra chất nổ đầu tiên của nhân loại cách nay hàng ngàn năm). Đầu tiên pháo đất nhỏ cho từng người chơi làm ra gọi là pháo bát (giống cái bát), dần dần trò chơi thu hút ngày càng đông người tham gia nên cuộc chơi được chia thành từng nhóm, mỗi nhóm nhiều người và do vậy pháo cũng được làm ngày một to thoả sức trổ tài cho từng trai tráng. Cách thức chơi hoàn hảo ấy lưu truyền đến ngày nay. Chính vì thế mà nhiều vùng của đồng bằng và trung du Bắc bộ đã từng có trò chơi dân gian này song có thể vì nhiều lí do mà đến nay pháo đất chỉ còn ở mấy điểm thuộc Thái Bình, Hải Dương, Vĩnh Phú, trong đó Vĩnh Bảo - Hải Phòng là nơi còn nhiều vùng chơi pháo đất hơn cả.
Tân Liên là một xã nằm ven sông Thái Bình, phía tây có quốc lộ 10 chạy qua, toàn xã có 6 làng, 8 khu dân cư văn hoá nơi trò chơi dân gian pháo đất không những là niềm đan mê của mỗi người dân mà còn là truyền thống văn hoá với tinh thần thượng võ của quê hương vì vậy từ lâu nay cuộc chơi pháo đất đã trở thành Hội thi pháo đất Tân Liên được diễn ra hàng năm.
Với bản chất chăm chỉ, khiêm nhường, trong suốt chiều dài lịch sử người dân Tân Liên chung lưng đấu cật chống chọi với thiên tai, giặc dã, tạo dựng lên một vùng quê trù phú, tươi xanh và giầu bản sắc văn hoá, đang vững bước đi lên công nghiệp hoá - hiện đại hoá nông nghiệp nông thôn.
Nâng cấp lễ hội pháo đất Tân Liên là một việc làm có ý nghĩa trong thời gian hiện nay, nhằm khơi dậy vẻ đẹp của tinh thần thượng võ, giữ gìn và bồi đắp cho hồn quê và tình người mãi mãi trong sáng đậm đà, tạo sự cân bằng môi trường xã hội khi mà khu Công nghiệp đóng trên địa bàn xã đang vận hành và tiếp tục mở rộng trong những năm tới, góp phần gìn giữ và phát huy truyền thống văn hoá quê hương./.
 
Top