Bí mật của mẹ

muahoacai

New member
Bí mật của mẹ
26/04/2010 09:22 (GMT +7)
Ngày giải phóng miền Nam cách đây 35 năm, hàng đoàn quân chiến thắng trở về, biết bao gia đình trùng phùng sum họp thì gia đình bà lại bao trùm cảnh biệt ly. Bởi tin báo tử của chồng bà cũng vừa về tới nơi. Nhìn thấy các con đang ôm nhau khóc, đầu chít khăn tang, bà cũng quỳ sụp xuống, khóc không thành tiếng.

Chồng bà trước lúc hy sinh có nhờ đồng đội mang về một chiếc ba lô, một thùng gỗ bằng gỗ thông, không biết bên trong đựng gì mà nặng chịch. Chiếc hòm gỗ ấy bà để cạnh giường, mỗi năm đến ngày giỗ chồng, bà lại nhờ anh con út kéo ra, nhưng khi bà mở hòm thì tuyệt nhiên không ai được ở bên cạnh, kể cả là anh con út – người được lòng bà nhất cũng phải ra ngoài.
minhhoa.JPG


Ảnh minh hoạ: Lê Trí Dũng

Các con của bà, cứ thắc thỏm đoán già đoán non không biết cụ ông di chúc, gửi gắm những gì mà cụ bà bí mật thế. Có lần họp gia đình, anh cả, chị hai, anh ba, chị tư lân la hỏi cậu út về những thứ đựng trong chiếc hòm thì cậu út chỉ nói:

- Hôm rồi mẹ nhờ em lôi cái hòm ra rồi bảo em ra ngoài canh cửa. Được lúc em quay vào nhòm thử xem mẹ làm gì thì…”

Cả nhà tròn mắt, lặng im như nuốt từng lời chú út kể.

- Mẹ bày ra chiếu rất nhiều thứ - chú út tiếp - Em không lại gần nên không biết là gì mà chỉ nghe lẻng xẻng, sáng loáng hết cả một góc giường. Mẹ ngồi ngắm những thứ ấy rất lâu. Mẹ còn đeo lên tai, vào tay một lúc rồi phân loại, gói ghém cẩn thận vào những vuông vải đỏ…

Anh cả trầm ngâm nói: Tụi anh không quan tâm đến vấn đề đó. Vàng, bạc của mẹ thì rồi thể nào mẹ cũng có cách hồi môn cho con cái. Vấn đề là chú chăm sóc mẹ không ổn tý nào. Từ nay, các anh chị sẽ thay phiên nhau chăm mẹ. Theo lịch, mỗi người một tuần. Được chưa?

Anh con út đồng ý.

Nhưng rồi cái lịch anh cả đề ra cũng không thực hiện được bởi bà không muốn rời khỏi căn buồng của mình. “Thôi thì không dời nhà cũng được, các con sẽ đến nhà chăm mẹ” – bác cả nhất quyết. Từ đó, người ngoài đến chơi với cụ ai cũng khen cụ có phúc bởi có được những người con tận tình, chu đáo. Hôm rồi nghe cậu út rục rịch chuyện cưới vợ, các anh chị lại nhóm họp, hứa sẽ mua đất, làm nhà trên phố tặng cậu, hoặc nếu cậu muốn có thể dọn đến ở một trong bốn nhà anh chị, đổi lại nhà mẹ và cậu từng ở anh chị sẽ giữ làm nhà thờ tổ.
Thế rồi bà đổ bệnh. Trước khi quy tiên, bà gọi các con lại, đưa cho cậu út chùm chìa khóa rồi thủ thỉ vào tai cậu gì đó chỉ có cậu mới biết. Trước khi khâm liệm cho bà các anh chị em trong nhà không ai rời cậu út lấy nửa bước, cứ như là rất sợ nhãng ra cậu sẽ cuỗm mất chiếc hòm giấu mất.

Đến giờ liệm cho cụ, anh con út lôi chiếc hòm ra, các anh chị ngăn lại:

- Chú điên à? Sao chú lại tính chuyện chia chác trước bàn dân thiên hạ thế hả? Hãy cứ lo hậu sự cho mẹ đã. Chú cất chìa khóa đi…

Cậu út vẫn lách mọi người bưng chiếc thùng gỗ ra đặt cạnh quan tài mẹ rồi lần chìa khóa mở thùng, nhấc lên từng vuông vải đỏ lẻng xẻng những tiếng va kim loại đưa cho bác cả rồi bảo: “Anh mở ra xem, có phải đôi bông tai không?” rồi lại đưa túm vải khác cho chị hai, anh ba, anh tư dặn: “Anh chị xem có phải kiềng, vòng đeo tay, hay nhẫn không?

Các anh chị đồng loạt mở những vuông vải đỏ, ai nấy cũng run lên, nói như muốn khóc: Đúng!

Cậu út bảo:

- Đây là những kỷ vật trong suốt thời kỳ đi lính thày tự tay làm từ vỏ đạn, vỏ máy bay. Mẹ dặn, khi mẹ qua đời hãy bỏ vào quan tài cho mẹ. Đồ nào đeo ở đâu thì anh chị đeo cho mẹ đúng chỗ ấy!

Theo
 
Top