Chữa bệnh "không xấu hổ": Thuốc bắc hay kháng sinh ?

tuanhungvr

VIET NAM REGISTER
Luật nghiêm phải từ người thực thi pháp luật. Người tham gia giao thông chắc sẽ tăng "năng lực" biết xấu hổ nếu không còn thấy những chuyện xấu hổ thường xuyên tái diễn trên đường.

Chúng ta chưa biết xấu hổ

Lâu nay, nói đến an toàn giao thông là nói đến ý thức người dân. Đi vượt đèn đỏ, lấn đường, chở kềnh càng; chỗ có cầu vượt thì không dùng nhưng chỗ đường đông, cấm rẽ thì vẫn hiên ngang mở đường, thậm chí xé toang giải phân cách để mặc nhiên... ta đi tới.

Một cái xe chết máy là tắc dài cả cây số vì ai cũng sốt ruột muốn vượt lên thành ra cản trở lẫn nhau và cản trở chính mình. Lối hành xử ấy thể hiện một tư duy văn hóa chưa chín chắn, chưa thành đường thành nét của những chủ nhân ông mà vẫn xóm róm, đối phó, tùy tiện, tiểu nông.

Nói như một chuyên gia xã hội học, chúng ta chưa biết xấu hổ với hành vi vi phạm an toàn giao thông thì làm sao có thể khắc phục được nó?

Thông thường, người phạm luật, hành xử trái nguyên tắc của cộng đồng ít nhiều sẽ thấy xấu hổ với hành vi của mình. Nhưng lĩnh vực giao thông dường như lại là ngoại lệ. Quy trình ứng xử khá phổ biến của người vi phạm là biện minh, trình bày, gọi điện thoại cầu cứu người quen, thậm chí mặc cả, "lót tay" xin cho qua... Coi như một tai nạn, một rủi ro nếu mất tiền nộp phạt, và khoan khoái, thư thái, thậm chí "tự hào" nếu biết cách "xin" được cho qua.

Thái độ này là một trạng thái tâm lý lạ lùng. Nhưng xem xét kĩ ra không phải nó không có lý.

Thứ nhất, vi phạm luật giao thông là chuyện phổ biến, hàng ngày. Khi ai cũng vi phạm nếu có điều kiện thì còn xấu hổ với ai?

Thứ hai, thái độ của không ít người thực thi pháp luật trên lĩnh vực an toàn giao thông còn chưa nghiêm, tạo đất nhũng nhiễu, vòi vĩnh, tiêu cực. Đây là lý do quan trọng khiến người tham gia giao thông nhờn luật, lách luật, mặc cả với người thực thi pháp luật.

Thuốc kháng sinh cho người thực thi pháp luật

Khi cảnh sát giao thông thản nhiên vòi tiền mãi lộ, khi những cuộc "thương thảo" để bỏ qua các lỗi vi phạm trên đường có tỉ lệ thành công rất cao thì vi phạm luật giao thông bùng nổ là chuyện không khó hiểu.


Mailo_1315562541.jpg

Hình ảnh nạn mãi lộ nhức nhối do báo Tuổi trẻ ghi lại. Ảnh: HK - TTO

Hình ảnh cảnh sát giao thông đeo kính đen, phì phèo thuốc lá, "mày tao" với người vi phạm càng làm cho mối quan hệ giữa người vi phạm và người xử lý vi phạm lệch chuẩn, công quyền bị biến báo vô lý. Người vi phạm luật giao thông sẽ khó thấy xấu hổ khi thấy những chuyện đáng xấu hổ hơn vẫn thản nhiên diễn ra như vậy.

Chuyện cảnh sát giao thông "làm luật" không còn là chuyện lạ vì nó phơi ra trước con mắt của hàng triệu người tham gia giao thông hàng ngày. Nhưng để có bằng chứng xác thực là chuyện không hề đơn giản vì mấy ai có đủ nghiệp vụ để quy kết vi phạm của người vốn sinh ra để phát hiện và xử lý vi phạm.

Cho nên những "thước phim" cận cảnh về mãi lộ mà báo chí kiên tâm ghi lại được có giá trị đặc biệt trong cuộc chiến chống lại nạn tiêu cực, nhũng nhiễu, góp phần nâng cao ý thức và vị thế của cán bộ công quyền trong lĩnh vực nóng bỏng là an toàn giao thông.

Nếu nâng cao ý thức người dân là chuyện lâu dài ví như uống thuốc bắc phải kiên trì, thì chỉnh sửa thái độ, tác phong, kỉ luật của đội ngũ cảnh sát giao thông là liều thuốc kháng sinh đem lại hiệu quả tức thì.

Suy cho cùng, luật nghiêm phải từ người thực thi pháp luật. Người tham gia giao thông chắc sẽ tăng "năng lực" biết xấu hổ nếu không còn thấy những chuyện xấu hổ thường xuyên tái diễn trên đường.
 
Top